Fomeco

Reed Tradex: Cam kết đồng hành cùng ngành công nghiệp Việt

Nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động của công ty tại Việt Nam và triển lãm VietnamManufacturing 2017, bà Kasinee Phantteeranurak – Giám đốc dự án Công ty TNHH Reed Tradex (Thái Lan) – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Sau gần 10 năm tổ chức các hoạt động triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ, điện tử tại Việt Nam, bà có thể cho biết những kết quả mà Công ty Reed tradex cũng như các doanh nghiệp (DN) tham gia đã đạt được?

Gần 10 năm tổ chức triển lãm tại Việt Nam, Reed tradex đã có những thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt là năm 2016 đã chào đón hơn 30.000 khách tham quan ở cả 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Để có sức hút này đối với các DN tham gia triển lãm, ngoài lòng tin, còn là sự chuẩn bị chuyên sâu, kỹ càng, kế hoạch truyền thông toàn diện của Reed tradex trong quá trình tổ chức các triển lãm. Đặc biệt là mang đến những đối tác tiềm năng và đúng mục tiêu cho tất cả các bên tham gia.

Việt Nam là một thị trường mới nổi tại châu Á với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư. Theo “Báo cáo đầu tư thế giới năm 2016”, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam là một quốc gia đang chuyển động và cung cấp ngày một nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đã có sự quan tâm đáng kể bảo đảm một nền tảng đôi bên cùng có lợi giữa các nhà đầu tư và nhà nước, tạo tiền đề cùng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bà đánh giá gì về môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay?

Trong giai đoạn 2000 – 2013, số lượng DN nhà nước đã giảm gần 50% từ 5.800 xuống còn 3.135. Tư nhân hóa đã gặt hái được nhiều thành công, hơn 40% tổng số DN có mức tăng trưởng trên 10% sau khi thực hiện tư nhân hóa. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư tập trung nguồn vốn nhiều hơn vào khu vực này. Có thể nói, đây là thời điểm khá thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài để nắm bắt cơ hội và bắt đầu kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội thì đâu là thách thức đối với việc thu hút đầu tư của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới?

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất với công nghệ cũ, đây là thách thức đối với Việt Nam để có thể đáp ứng sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng công nghệ cao của các nhà đầu tư FDI. Ví dụ, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 227.000 xe ô tô và hướng tới việc trở thành một nhà cung cấp phụ tùng và các mặt hàng có giá trị cao cho thị trường ô tô thế giới vào năm 2020.

Tuy nhiên, thách thức được đặt ra khi thuế nhập khẩu xe sẽ được miễn, giảm vào năm 2018, các nhà sản xuất xe tại Việt Nam cần xem xét để có những lợi thế trên phương diện về chất lượng hoặc giá cả. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, chịu ảnh hưởng từ kinh tế thế giới và đòi hỏi một quá trình chuyển đổi mới mang tính định hướng năng suất hơn.

Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, Việt Nam cần đẩy mạnh năng suất lao động 50%, tức là từ tỷ lệ năng suất định kỳ 4.1% lên 6.4% để có thể đáp ứng mục tiêu của chính phủ trong việc tăng trưởng kinh tế 7 – 8% vào năm 2020. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có kế hoạch phát triển dài hạn, trong đó tập trung giải quyết nhu cầu của các nhà đầu tư về nguồn lao động có tay nghề bằng việc thông qua các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Với vai trò đơn vị tổ chức triển lãm, Reed Tradex có kế hoạch gì để hỗ trợ những nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt cơ hội kinh doanh mới?

Với vai trò là một chuyên gia thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất, Reed Tradex tin rằng không phải việc sử dụng các công nghệ hiện đại nhất, mà sử dụng công nghệ một cách phù hợp sẽ giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nhu cầu công nghệ cao của thế giới. Cụ thể hơn, từ những thách thức nội tại của Việt Nam, năm 2017, Công ty sẽ tập trung phát triển những chương trình triển lãm mang tính cạnh tranh hơn, không chỉ trình diễn máy móc mà còn phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong ngành, các DN đang nắm giữ công nghệ tiên tiến để thực hiện việc truyền tải nguồn kiến thức; chuyển giao công nghệ, trao đổi về những khả năng áp dụng công nghệ và máy móc để mang lại hiệu quả kinh tế nhất cho các DN sản xuất tại Việt Nam.

Vậy bà cho biết mục tiêu của Reed Tradex đối với các hoạt động triển lãm năm 2017 tại Việt Nam?

Reed Tradex hướng đến việc xây dựng “một triển lãm, một nền tảng, một điểm đến” – nơi hình thành cộng đồng các nhà công nghiệp với mục tiêu không chỉ là nơi trao đổi và kết nối các nhà sản xuất địa phương để chiến thắng trên thị trường mà còn là sự kết nối xa hơn với cộng đồng DN quốc tế, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… để nâng cao tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thế giới. Theo đó, triển lãm quốc tế “Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2017” về ngành chế tạo khuôn mẫu, phụ tùng ôtô và sản xuất nhựa sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 – 28/4/2017, không chỉ có sự hiện diện của những thương hiệu hàng đầu về dụng cụ đo lường và công nghệ tự động hóa, mà còn có sự góp mặt của những chuyên gia trong ngành, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật cho toàn thể khách tham quan. Triển lãm sẽ mở cửa rộng rãi để chào đón những nhà công nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời đi kèm với những hỗ trợ không chi phí về kết nối DN. Những chương trình hội thảo chuyên đề đã được lên kế hoạch với nội dung đa dạng cung cấp những kiến thức về quản lý cho các bộ phận cấp cao trong tổ chức, DN. Đồng thời cung cấp những kiến thức kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp sản xuất cho các bộ phận nghiên cứu và nhà xưởng của các DN.

Theo Baocongthuong.com.vn

Connect with Author

Tin tức liên quan

Gửi thành công
Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin và sẽ liên hệ với quý khách trong thời gian sớm nhất. Xin cám ơn